Giao thông vận tải đường sắt là một trong những ngành ra đời sớm và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Sự ra đời, phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp và quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.
Hơn một thế kỷ qua, với sự đóng góp quên mình, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy của các thế hệ công nhân Đường sắt, các tuyến đường ngày càng mở rộng khắp mọi miền Tổ quốc, tạo nên sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương. Với những đóng góp quan trọng đó, ngành Đường sắt Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý, được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời dành sự quan tâm đặc biệt. Nhiều lần Người đã đến thăm, viết thư, khen ngợi và động viên kịp thời cán bộ và nhân viên ngành Đường sắt. Ngày 31 tháng 5 năm 1946, tại sân bay Gia Lâm trước giờ lên máy bay đi thăm nước Pháp nhân dịp hội nghị Phôngtennơblô, Hồ Chủ tịch đã căn dặn công nhân viên chức Hoả xa Việt Nam: “Đoàn kết - Kỷ luật - Công tác”. Sau 5 tháng, ngày 21 tháng 10 năm 1946 cán bộ, công nhân viên Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội. Nhận rõ đây vừa là niềm tự hào lớn lao, vừa là trách nhiệm nặng nề, cán bộ, công nhân viên Đường sắt từ cơ quan Sở hỏa xa đến những người trực tiếp làm nhiệm vụ ở các nhà ga, trên tàu với tinh thần cố gắng cao nhất, phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền, nhân dân các địa phương tổ chức chu đáo chuyến tàu đưa đoàn công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô tuyệt đối an toàn, đúng kế hoạch, được Người gửi thư cảm ơn, khen ngợi:
“Về dịp tôi ở Pháp về nước, chuyến tàu riêng đưa tôi từ Hải Phòng đến Thủ đô được xếp đặt một cách rất chu đáo. Được như vậy là nhờ anh em công nhân Sở Hỏa xa đã tận tâm trong dịp đón tôi.
Vậy tôi có lời thân ái khen ngợi và cảm ơn các anh em công nhân hỏa xa, nhất là những người anh em đã phụ trách chuyến tàu riêng tôi đi ngày 21-10-1946.
Công việc Hỏa xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm trong nhiệm vụ.”[1].
[1] Lịch sử Đường sắt Việt Nam năm 2006, NXBCTQG, tr 119,
Sự kiện ngày 21 tháng 10 năm 1946 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử Đường sắt Việt Nam. Mỗi lời nói ân tình của Người đã khắc sâu vào tâm khảm của các thế hệ công nhân viên Đường sắt Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của đông đảo các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, ngày 11-3-1996 Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định lấy ngày 21 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam.